Cơ hội cho ngành xuất bản bứt phá
doc-gia-trai-nghiem-sach-8748

Trong chuỗi hoạt động chuyển đổi số của mọi ngành nghề (trong đó có ngành xuất bản), quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ là vấn đề mũi nhọn được sự quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hành. Những năm qua, ngành xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã, đang có những sản phẩm cụ thể gắn với công cuộc chuyển đổi số.

Với chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố, các hoạt động hưởng ứng không phải là một hoạt động riêng lẻ mà phải là một chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.

Trong năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam (Văn phòng đại diện phía nam) và Hội in Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các tọa đàm “Chuyển đổi số - Cơ hội, thách thức của hoạt động xuất bản hiện nay”, hội thảo “Khung năng lực số ngành in” gắn với chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành với sự tham dự, chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành.

Ðáng chú ý, tại Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số mới đây, độc giả thành phố có cái nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Với 24 đơn vị tham gia, hơn 30 chương trình, hoạt động giao lưu, điểm nhấn của tuần lễ năm nay là độc giả sẽ được trải nghiệm hơn 3.000 tựa sách điện tử, sách nói cũng như những hình thức tiếp cận sách mới, trải nghiệm công nghệ về sách gắn với chuyển đổi số cũng sẽ mang đến cách nhìn sâu sắc hơn về chuyển đổi số trong xuất bản, thúc đẩy đưa công nghệ vào trong hoạt động này.

Theo ông Lâm Ðình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số năm nay đã giới thiệu đến người dân không gian triển lãm trực tuyến với 498 tư liệu mang đến sự trải nghiệm mới mẻ, ý nghĩa. Việc tạo ra một không gian trực tuyến cũng là một phần trong định hướng phát triển chuyển đổi số của ngành xuất bản, tạo ra những trải nghiệm mới trong việc giới thiệu quá trình xây dựng, phát triển của xuất bản cách mạng Việt Nam đến với độc giả.

Tại sự kiện Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số, Công ty cổ phần Bookas đã tổ chức chương trình ra mắt ứng dụng Sách nói Bookas. Ðây là một trong những đơn vị mới nhất trên địa bàn thành phố tham gia vào mảng sách nói nhằm phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bookas Vũ Cao Cường cho biết: Khoa học-công nghệ là sức mạnh mềm, là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh đa quốc gia.

Hơn hết, trong khuôn khổ doanh nghiệp tư nhân, khoa học-công nghệ là “vũ khí” lợi hại để giúp doanh nghiệp hoàn thiện hơn, hiện đại hơn và có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng. “Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, đồng thời đánh giá rõ ràng mức phân bổ thị trường của dòng sách giấy và các dòng sách số hóa, chúng tôi quyết định cùng tạo nên Bookas.

Những phiên bản âm thanh mà Bookas tạo ra, được tích hợp từ công nghệ AI và giọng đọc độc quyền, phối kết âm không gian, mang đến các trải nghiệm giác quan thật thú vị cho độc giả”. Theo Tiến sĩ Hà Thanh Vân, độc giả hiện nay vẫn yêu thích thói quen đọc truyền thống là sử dụng sách giấy.

Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, việc mang đến nhiều cách đọc sách hiện đại như sử dụng sách nói, sách điện tử… là điều cần thiết. Người đọc sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận sách, qua đó, góp phần phát triển văn hóa đọc.

Theo số liệu của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay cả nước có 57 nhà xuất bản trực thuộc các cơ quan chủ quản; trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh có hai nhà xuất bản trực thuộc Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố, 28 chi nhánh nhà xuất bản, bốn văn phòng đại diện nhà xuất bản nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh và bốn nhà xuất bản đại học.

Trong số 57 nhà xuất bản, tính đến nay đã có hơn 20 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử; trong đó, chủ yếu là các đơn vị xuất bản, phát hành sách tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, nhất là việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác xuất bản đã đem lại những hiệu quả ấn tượng.

Số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất xuất bản phẩm điện tử với sự hợp tác chặt chẽ cùng các doanh nghiệp công nghệ đã cho thấy tính hiệu quả không nhỏ. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Ðó là, tình trạng vi phạm bản quyền, sách giả, phát hành sách lậu trên nền tảng mạng. Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Ðường sách Thành phố Hồ Chí Minh, những thách thức này cũng đang là mối quan ngại không nhỏ đối với ngành xuất bản và xã hội nói chung.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Lâm Ðình Thắng cho biết: Trong giai đoạn phát triển mới, ngành xuất bản, in và phát hành xác định rõ chuyển đổi số vừa là cơ hội lớn, vừa là “chìa khóa” tạo đột phá cho ngành tiếp tục vai trò, sứ mệnh của mình trong những năm tiếp theo.

Vì thế, với vai trò quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in và phát hành trên địa bàn, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thường xuyên phối hợp các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan chức năng liên quan và kiến nghị lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố có những biện pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn, thách thức của chuyển đổi số trong xuất bản hiện nay, nhất là vấn đề bản quyền và bảo vệ bản quyền trong bối cảnh chuyển đổi số để phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản.