Ngành xuất bản cần có bước chuyển vượt bậc

Năm qua, việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản được đẩy mạnh đã tạo đà cho văn hóa đọc phát triển.

Xuat ban anh 1
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội Sách Hà Nội năm 2024.

Tăng trưởng xuất bản phẩm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường cho thấy ngành xuất bản đáp ứng nhu cầu cơ bản của bạn đọc. Tuy nhiên, trước những thách thức đang đặt ra, ngành xuất bản cần có bước chuyển mình vượt bậc trong thời gian tới.

Tính riêng sáu tháng đầu năm 2024, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn sách với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản sách). Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn, tăng hơn 29% về bản sách) và xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%). Các xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản).

Về nội dung, ngành xuất bản đã lan tỏa được nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bảo đảm sự đa dạng về đề tài, chuyên sâu về nội dung, phát huy vai trò định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho bạn đọc; tăng cường khai thác bản quyền, xuất bản các đầu sách dịch, đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại...

Các đơn vị xuất bản đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nổi bật là tham gia, tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 theo hướng nâng tầm vị thế, uy tín của giải.

Sáu tháng cuối năm, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song, giới làm nghề nhận định, xuất bản phẩm các dạng đều tăng mạnh. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản đang diễn ra sôi nổi. Các định dạng sách điện tử (Ebook, Audiobook, Videobook)... tiếp tục tăng mạnh, tương tác khá hiệu quả với bạn đọc, tạo động lực cho văn hóa đọc phát triển. Trong năm, nhiều nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử, nâng số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử lên 34/57 nhà xuất bản.

Có thể nói, sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và thông tin số hóa, kết nối thông minh, công nghệ in tiên tiến... đã thay đổi bộ mặt của ngành xuất bản. Nhịp phát triển này mở ra cơ hội đồng thời cũng tạo áp lực, đòi hỏi đội ngũ vận hành cần thay đổi tư duy, kỹ năng công việc trong hoạt động xuất bản, in và phát hành, nhất là khi xuất bản điện tử đang trở thành xu thế tất yếu.

Toàn ngành hiện có khoảng gần 5.000 lao động, song, thực tế tại nhiều nhà xuất bản cho thấy, khó khăn chủ yếu là phải đào tạo lại nhân sự hoặc tuyển dụng mới để đáp ứng yêu cầu, quy trình thời đại công nghệ số.

Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, nhìn lại hoạt động xuất bản trong năm qua, vẫn còn những mặt hạn chế. Đầu tiên phải kể đến tình trạng xuất bản phẩm có chất lượng kém, có nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn diễn ra, thậm chí có nơi để tình trạng này kéo dài đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải có văn bản nhắc nhở. Việc bảo vệ bản quyền của các bản sách nói chung và các bản dịch của sách tinh gọn, sách thường thức nói riêng vẫn đang là câu chuyện hết sức nan giải.

Nguồn: https://znews.vn/nganh-xuat-ban-can-co-buoc-chuyen-vuot-bac-post1515100.html