Đó là chủ đề của Diễn đàn Xuất bản số 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, sự kiện có quy mô quốc gia đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực xuất bản số đầy tiềm năng.
Thứ Sáu, ngày 04/07/2025 - 22:47
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn Xuất bản số 2025.
Theo số liệu mới tại diễn đàn, doanh thu toàn cầu của xuất bản số lên tới 120 tỷ USD/năm, được xem như một “mỏ vàng” còn dồi dào dư địa khai thác cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh nội dung số. Thống kê tại Việt Nam: riêng sách điện tử đã có khoảng 300 nghìn người đọc, gia tăng theo tỷ lệ 15%/năm. Tuy vậy, thực trạng xuất bản số tại Việt Nam thời gian qua còn nhiều vướng mắc do công nghệ, tư duy và đặc biệt là vấn đề vi phạm bản quyền.
Tại diễn đàn, hầu hết diễn giả thống nhất với quan điểm các sáng kiến, giải pháp ứng dụng công nghệ trong xuất bản đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh toàn xã hội chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ từ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời các định hướng lớn từ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đi vào cuộc sống. Theo TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), xuất bản số là cơ hội lịch sử để thúc đẩy văn hóa đọc mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối tri thức toàn cầu.
Chia sẻ về các mô hình xuất bản mới, diễn giả Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books nhấn mạnh, ngày nay một nội dung có thể phát triển thành cả một hệ sinh thái từ ebook, audiobook, bản tóm tắt, thẻ ghi nhớ, podcast cho đến video phân tích, lớp học trực tuyến. Những định dạng này đang ngày càng được độc giả ưa chuộng. Cũng theo ông Bình, thị trường xuất bản Việt Nam hiện chỉ đạt quy mô khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng nhưng với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, ngành xuất bản Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển lên mức 20-40 nghìn tỷ đồng. Đề cao việc thay đổi tư duy và phối hợp nhiều bên, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh chỉ ra khó khăn từ việc thiếu quy trình đồng bộ giữa biên tập, sáng tạo và công nghệ, thiếu đầu tư thử nghiệm các dự án như sách chuyển thể thành phim, sách tương tác.
Diễn đàn Xuất bản số 2025 do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam, Trung tâm Bản quyền số phối hợp Apha Books tổ chức với sự bảo trợ của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA). Dự kiến diễn đàn sẽ diễn ra thường niên, tập trung vào xuất bản số với sự giao thoa nội dung, công nghệ và kinh doanh.
Nói về AI, các diễn giả Trần Chí Hiếu và Hoàng Nam Tiến chia sẻ nhiều thí dụ cụ thể và phân tích sâu sắc để làm rõ việc ứng dụng AI trong sản xuất và phân phối sách. Với kinh nghiệm là những nhà sáng tạo nội dung có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, các diễn giả đều nhấn mạnh yếu tố mà AI thiếu đó là “tâm hồn”, AI có thể là “đồng nghiệp” mới chứ không thay thế sách hay người làm xuất bản.
Nhân sự kiện này đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Bản quyền tác giả đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến vi phạm bản quyền và bảo vệ bản quyền nội dung số. Đây cũng là nội dung “nóng” được đề cập nhiều lần, cho thấy tầm quan trọng của bản quyền - điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển bền vững và hình thành hệ tri thức số mang bản sắc Việt.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH
Nguồn: https://nhandan.vn/tuong-lai-nganh-xuat-ban-trong-ky-nguyen-so-post891730.html